Subscribe Twitter FaceBook

"Nhất Thất Nhân Thân, Vạn Kiếp Nan Phục" - "Thân Người Mất Đi Vạn Kiếp Khó Khôi Phục"

Tuesday, July 27, 2010

Giáo Dục

Hiện tại mọi người đi học chỉ vì danh lợi. Cách phát âm hai chữ Minh Lý và Danh Lợi trong tiếng Tàu gần giống nhau, nhưng ý nghĩa thì lại khác xa đến tám mươi bốn ngàn dặm !
Trẻ em như mầm non đang lớn; cành cây mọc ra um tùm cần phải được cắt tỉa thì tương lai mới trở thành vật liệu hữu ích được.
Nầy các bạn trẻ ! Các bạn có biết căn bản làm người là gì không ? Đó là tám đức tánh hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sĩ.
Tại sao hiện nay trên thế giới đầy dẫy những tội lỗi do thanh thiếu niên gây ra ? Vì những bậc làm cha mẹ chỉ lo sanh con chứ không lo chăm sóc, dạy dỗ.
Tâm tham của chúng ta là cái hố không đáy; nó cao hơn trời, dày hơn đất, sâu hơn biển cả, nên mãi mãi không thể lấp đầy.
Người không đạo đức mới thật là kẻ nghèo cùng.
Nếu có người đến cầu Pháp, tôi sẽ bảo người ấy nên ăn ít, mặc ít, ngủ ít một chút, vì lý do: Mặc ít thì tăng phước. Ăn ít thì tăng thọ. Ngủ ít thì tăng lộc.
Con người sống không phải vì miếng ăn mà sống để làm lợi ích cho xã hội, ban phước đức cho nhân dân, và hỗ trợ cho thế gian. Người người phải: Thay Trời đem lòng từ bi giáo hóa chúng sanh. Một lòng trung thành vì nước, cứu dân.
Suốt cuộc đời, tôi không bao giờ bận rộn vì mình và cũng không bao giờ để ý đến bọc thịt thúi này.
Tại sao thế giới ngày càng băng hoại ? Vì ai ai cũng tranh danh, tranh lợi, tranh quyền, tranh địa vị, và nghiêm trọng nhất là tranh sắc dục.
Tôi muốn xin quý vị món quà lớn; đó là tánh nóng giận, ngu si, phiền não, và những tâm sân hận của quý vị.
Thiên tai không phải là thiên nhiên gây tai nạn hay thiên nhiên gặp họa nạn, mà chính là tai họa nhân loại chúng ta phải gánh chịu. Những tai họa đó chính do chúng ta tự tạo ra rồi tự chuốc lấy.
Muốn phát triển Phật giáo, chúng ta phải bắt đầu từ đâu ? Theo ý tôi, trước nhất phải bắt đầu từ nền giáo dục. Nếu bắt đầu với giáo dục thì trẻ em sẽ hiểu rõ Phật giáo. Đến khi khôn lớn, tự nhiên các em sẽ giúp cho Phật giáo được phát triển rộng rãi.
Làm việc ma tức là ma. Làm việc người tức là người. Làm việc Phật tức là Phật.
Hiện tại, tôi đang ở xứ MỸ. Tôi hy vọng dân chúng xứ này đều y theo luật pháp và thay đổi những tập tục xấu xa... Nếu hành theo luật pháp thì sẽ làm công dân tốt. Nếu dân chúng trong một quốc gia đều là công dân tốt thì họ cũng là công dân tốt của toàn thế giới.
Một trong những mục tiêu của nền giáo dục là tuyển chọn nhân tài. Nhân tài là những ai ? Là những người có trí huệ thông minh. Đối với những người chậm hiểu, chúng ta phải cố gắng giúp họ khai mở trí huệ. Đó là mục đích chính.
Tôi muốn cống hiến một nền giáo dục không những nối tiếp huệ mạng của chư Phật mà cũng nối tiếp huệ mạng của chúng sanh.
Đã hàm thụ nền giáo dục lành mạnh, sau khi ra trường, học sinh sẽ biết cách hành xử trong xã hội. Chúng sẽ có khả năng tạo ảnh hưởng tốt để thay đổi tập quán trong xã hội.
Nhân loại gần đi đến chỗ diệt vong ! Điều này không do thiên tai hoạn nạn mà do con người đã từ từ quên dần nền luân lý đạo đức.
Tạo lỗi lầm trong sự giáo dục nghiêm trọng hơn bịnh ung thư và nạn bom nguyên tử. Nền giáo dục bất chánh sẽ vô hình chung giết chết thế hệ trẻ và khiến cho họ đánh mất đi bản chất làm người, quên đi tâm linh, và không màng đến sanh mạng.
Con gái phải đợi đến hai mươi tuổi mới được có bạn trai. Con trai phải đợi đến hai mươi lăm tuổi mới có bạn gái. Bằng cách đó, thanh thiếu niên sẽ không bị hại. Nếu có bạn trai hay bạn gái quá sớm, thì các em sẽ không thể trở thành người học sinh giỏi và công dân gương mẫu. Các em phải làm người tốt và học trò giỏi để có khả năng làm việc lành trong tương lai. Nếu gặt mạ sớm trước khi chính mùi thì đó chỉ là đám mạ vô ích. Trong tương lai, nếu con người phát triển tình dục sớm, thì thế hệ sau sẽ tệ hại hơn thế hệ trước.
Trẻ em ở nước này xem tivi quá nhiều. Kết quả, trước tuổi mười bảy mười tám, chúng đã biết hẹn hò. Điều này thật tai hại vô cùng ! Chúng ta sẽ không có những nhân tài trong tương lai, vì đa số những người đó sẽ là người đần độn.
Phải dạy trẻ em những nề nếp giáo dục căn bản như không tranh, không tham, không tìm cầu, không ích kỶ, không tự lợi, không nói láo, không uống rượu, không hút chích, không tà dâm. Nếu làm được như thế thì vẫn còn hy vọng để thay đổi nền giáo dục... Thật ra, nền quốc phòng căn bản nhất và triệt để nhất chính là nền giáo dục. Nếu nền giáo dục không đúng đắn thì dẫu có vũ khí quốc phòng gì cũng là vô ích... Nền giáo dục của đạo Phật là sự giáo dục cứu vớt con người bảo tồn chân tánh, tâm linh, và sanh mạng. Chúng ta đi khắp nơi đánh thức con người và thúc giục họ cải tiến nền giáo dục, kéo thế hệ trẻ tránh khỏi bờ vực tiêu vong, và xoay chuyển mối nguy hiểm diệt vong của nhân loại ở các quốc gia và trên toàn thế giới.
Tất cả sự giáo dục không thể tách rời từ chữ hiếu. Tách rời hiếu hạnh ra thì không còn nền giáo dục. Trong trời đất có vô số bài học, nhưng thực sự chỉ có một bài học Hiếu hạnh. Bài học này bao trùm tất cả sự học hỏi. Học hoàn mãn bài học này thì những bài học khác cũng sẽ được hoàn tất.
Tất cả thầy cô giáo phải làm gương cho học sinh qua hành động của mình. Phải ngay thẳng, chân thực, tự trọng, và truyền đạt trí huệ cùng niềm hy vọng đến cho thế hệ sau. Chớ nên tranh đấu hay biểu tình để thêm lương.
Tất cả mọi người đều là thầy của tôi và tôi đều là thầy của tất cả mọi người. Tôi luôn luôn tự dạy mình, và mình tự làm thầy cho chính mình.
Học hỏi không có bắt đầu hay chấm dứt. Không có lễ tựu trường đầu niên học, ngày nghỉ lễ, ngày ra trường.
Dẫu ở nơi nào, tất cả đều là trường học. Không có nơi nào mà không phải là nơi học hỏi. Không có phút giây nào là lúc mà không học hỏi.
***

0 comments:

Post a Comment