Subscribe Twitter FaceBook

"Nhất Thất Nhân Thân, Vạn Kiếp Nan Phục" - "Thân Người Mất Đi Vạn Kiếp Khó Khôi Phục"

Friday, May 20, 2011

Bồ Tát Quán Âm Có Thể Thị Hiện Bất Cứ Nơi Nào

Bài nói chuyện của Thầy Hằng Lai (1vào lúc ăn trưa ngày 24 tháng 10 năm 2010, Ngày Lễ Bồ Tát Quán Âm  Xuất Gia, tại Tu viện Kim Phong ở Seattle  
Trích dịch từ báo Vajra Bodhi Sea số tháng 12, 2010. Trang 32-33
 
Vào khoảng thời gian chúng ta mua Vạn Phật Thánh Thành (VPTT), tôi có một chiếc xe gắn máy. Do tôi đã phải đi thường xuyên qua lại giữa Tu Viện Kim Sơn ở San Franciscovà VPTT, và mỗi chuyến đi mất khoảng hai tiếng rưỡi. Vì vậy, tôi đã tự nghĩ và đắm chìm trong vọng tưởng : nếu tôi mua một chiếc xe gắn máy để hoàn thành những chuyến đi này, tôi sẽ thực sự tiết kiệm được rất nhiều xăng. Vì vậy, tôi hỏi Sư Phụ [Hòa Thượng],  "Con có thể sử dụng số tiền mà mẹ con đang giữ giùm con để mua một chiếc xe gắn máy không?" (2
Sư Phụ rất từ bi nói:  "Được, nếu con muốn làm điều đó thì cứ làm.
"Vì vậy, tôi đã mua chiếc xe gắn máy này. Tôi bắt đầu dùng xe này nhưng sớm nhận ra rằng đường xa lộ 101 không được thân thiện với xe gắn máy lắm. Đường này có quá nhiều xe hơi và tôi không cảm thấy thoải mái khi lái. Vì vậy, thay vào đó, tôi chuyển sang xa lộ 37, một con đường phụ song song với xa lộ lộ 101. Đó là một con đường ngoằn ngèo có hai làn đường. Đúng ra đó là một con đường an toàn hơn vì tôi không phải chạy xe nhanh.  
Một ngày nọ, tôi đang chạy xe về phía nam từ VPTT và đi được khoảng nửa đường trên xa lộ 37 thì thấy một người đứng ở giữa đường. Ông là một người Mỹ gốc Da Đỏ. Ông có mái tóc cột lại phía sau và có đeo xâu chuỗi. Đó là một người đàn ông lớn tuổi và trông rất thông thái. Khi tôi đến gần, ông đưa tay lên ra hiệu cho tôi chạy chậm và dừng lại.
Khi tôi dừng lại, ông ta nói với tôi:  "Ông phải rất cẩn thận, phía đường đằng kia có chỗ dầu tràn lớn, ông có thể mất kiểm soát chiếc xe gắn máy của ông và xảy ra tại nạn. Tôi muốn cảnh báo ông."  
Tôi chân thành cảm ơn ông, chạy xe chậm lại, và đi tiếp.  
Sau đó, khi tôi trở lại để gặp Sư Phụ, tôi kể với ngài về việc xảy ra. Tôi đề cập đến người Mỹ gốc Da Đỏ đứng ở giữa đường, và Sư Phụ nói,  "Không, không, không! Đó không phải là một người Da Đỏ. Đó là Bồ tát Quán Âm. Con không biết là Bồ tát Quán Âm có thể thị hiện bất cứ hình tướng nào hay sao? Bồ tát Quán Âm đến để giúp con!” Một vài tuần sau khi tôi kể câu chuyện trên, Sư Phụ đến nói với tôi:.  "Con biết không, có lẽ tốt hơn là con nên bán xe gắn máy này đi. Thầy có nói chuyện một chút với Bồ tát Quán Âm và tất cả các vị Hộ Pháp than phiền rằng con làm họ mất quá nhiều thời gian. Nếu con gặp tai nạn với xe gắn máy của con thì có vẻ không tốt cho Phật pháp đâu " Tôi hiểu thông điệp đó và chẳng bao lâu sau, tôi đã bán chiếc xe gắn máy.  (Thật ngẫu nhiên, tôi đã có thể bán chiếc xe gắn máy đó với giá cao hơn giá mua.)  
Những gì tôi muốn nói ở đây là: Sư Phụ luôn luôn nói với chúng ta rằng khi chúng ta đang lái xe, chúng ta nên niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Âm. Việc niệm danh hiệu này có mục đích như là một phước lành để giúp đỡ tất cả các ma quỷ trên đường lộ. Có nhiều ma quỷ đường lộ trên xa lộ. Họ là những linh hồn lang thang và cô độc của những người bị tai nạn mà không sống sót được. Họ vẫn còn ở đó tìm kiếm một "người thay thế"  [một người nào đó thế chỗ của họ để họ có thể được thoát ra]. Vì vậy, tốt hơn là nên chú tâm niệm thánh hiệu trong khi lái xe. Hơn nữa, niệm thánh hiệu cũng giúp quý vị khỏi giận dữ lúc lái xe trên đường. Mọi người có thể nổi giận khi ngồi sau tay lái do sự thiếu kiên nhẫn và không suy nghĩ của những người lái xe, do đó, tốt hơn là cũng nên niệm danh hiệu vì lý do này.  
Đó là câu chuyện nhỏ của tôi. A Di Đà Phật!
 
Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT: 
(1) Thầy Hằng Lai là một trong các Chủ Bút và là người thiết kế hình bìa cho nguyệt san Vajra Bodhi Sea thuở ban đầu. Xin xem thêm bài Con Trai Tôi Trở Thành Gì Vậy?
(2) Lúc này (1974, 1975) Thầy vẫn còn là cư sĩ nên vẫn còn giữ tiền riêng. Đến tháng 4 năm 1976, Thầy thọ mười giới Sa Di. Đến tháng 8 năm 1976, Thầy thọ Cụ túc giới tại Giới Đàn đầu tiên tổ chức tại Vạn Phật Thánh Thành. Các Tu Sĩ tại Vạn Phật Thánh Thành thọ Ngân Tiền Giới không giữ tiền bạc riêng (xin xem thêm bài Khai Thị Tiền Có Khả Năng Thần Thông Chớ Lầm Nhân Quả )
 

Tuesday, May 17, 2011

Tật Bệnh Cùng Nghiệp Chướng

  Phàm các ác bệnh nan y, độc địa như sốt rét, ung thư... đều do quỷ từ phía sau chi phối, khiến cho ngũ tạng trong thân con người bị xáo trộn vị trí, và tứ đại không điều hòa.
Đó đều là do nghiệp chướng quỷ tác quái. Bởi con người có nghiệp chướng từ lâu đời, cho nên đến thời đến lúc thì quỷ tới đòi nợ. Mà cũng bởi vì con người không đủ dương khí, tức âm thịnh dương suy, cho nên quỷ mới có thể tùy tiện được. Nếu quý vị thường không phiền não và trí huệ luôn hiện tiền, thì sẽ không có sơ hở để ma quỷ thừa cơ lợi dụng. 
Nhưng một khi quý vị khởi dục niệm và vô minh, quỷ bèn thừa cơ hội mà lẻn vào một cách dễ dàng.
Từ đó suy ra, tám vạn bốn ngàn tật bệnh là đều có tiền nhân hậu quả cả. Thậm chí khi quý vị bị con muỗi cắn, con ong chích, cho đến tất cả những tai nạn mà quý vị gặp phải, đều là do nhân quả đan dệt với nhau. Người hiểu rõ đạo lý nầy thì một chút lầm lỗi cũng không dám làm, vì hễ có lỗi là tự mình phải chịu báo ứng. Nhất là những ai tu Lục Độ Vạn Hạnh, họ càng phải chân thật khi dụng công, chẳng chút tơ hào hư dối. Cho nên nói: “Nhân địa bất chân, quả chiêu vu khúc,” gieo nhân không ngay thật thì gặt quả cong vẹo. Và đến lúc quả đã thành rồi thì có rất nhiều phiền phức.
Bởi vậy quý vị nên “tùy duyên tiêu nghiệp cũ, đừng tạo nghiệp ương mới” và không được có một chút nào buông thả trong mọi hành động. Dù lúc nào hay nơi đâu, mọi người cũng nên đề cao cảnh giác. Nếu không làm hại người và chỉ làm lợi cho người, vậy là mình sẽ không sanh bệnh gì cả, mà ma quỷ cũng không tìm được mình đâu.
Nói đến quỷ thì hôm qua có con quỷ “khai ngộ” từ San Jose đến tìm tôi. Quỷ đó nhập vào một bà và bà tự cho rằng mình đã khai ngộ. Chồng bà ta cũng cho rằng bà đã khai ngộ. Nhưng bà ta nói: “Con người không cần phải tu hành, cũng không cần phải giữ giới.” Thật ra mục đích của bà là tìm tôi để đấu pháp. Bà nầy đã quy y tôi năm 1980 tại Hội Cư Sĩ Lâm ở Singapore. Bà đến Mỹ được vài năm, học ngồi thiền, rồi tự cho mình đã khai ngộ. Vừa bước vào bà liền cúi đầu lễ tôi, nhưng không để cho chồng con bà nhìn thấy. Chỉ một mình bà hướng đến tôi đảnh lễ. Ban đầu không có chuyện gì, nhưng khi cúi đầu đến lần thứ ba thì bà lại cứ tiếp tục lạy mãi, rồi bắt đầu khóc, càng khóc càng lớn tiếng.
Tôi hỏi: Bà khóc cái gì?
Bà đáp: Con không biết, không phải là con khóc, mà là một người khác bên ngoài đang khóc.
- Ai bảo bà khấu đầu lạy thế?
- Là tự con muốn lạy.
- Bà đang giở trò gì vậy?
- Không biết! Tóm lại, không cần tu, không cần học, không cần giữ giới.
- Bà là sinh viên tốt nghiệp đại học ở Nam Dương. Có phải là bà không cần học mà được tốt nghiệp chăng?
- Không phải!
- Tu đạo cũng như vậy. Ngay đến cửa mà bà còn chưa bước vào được, vậy nếu bà không tu hành thì làm sao đắc đạo chớ? Có phải bà không đi học mà biết được chữ không?
Lần nầy thì con quỷ của bà cũng đành phải nói thật thôi. Nó là quỷ “tự nhiên” từ cõi trời Lục Dục. Nó vốn muốn đấu pháp với tôi, nhưng khi đến đây thì lại không có cách gì để đấu. Thế là nó giở ám chiêu, dùng phương pháp mềm diệu để công kích! Nó vừa khóc, vừa phun độc, nhưng độc nầy cũng không có tác dụng gì. Sau đó tôi nói chuyện với con quỷ đó cho đến khi nó lý cùng trí tận, nó mới thật tình xuống nước. Lúc bấy giờ bà Phật tử nọ cũng tỉnh lại và không còn náo loạn nữa.
Giảng ngày 30 tháng 7 năm 1985

Nhân gì Phát Sanh Tam Tai?


  Tam tai chia ra làm hai phần là: đại tam tai và tiểu tam tai. Đại tam tai là ba tai ách lớn về lửa, nước và gió. Tiểu tam tai là ba tai ách nhỏ về đao binh, mất mùa và bệnh dịch. Đó cũng tức là tai kiếp. Trong một đại kiếp có bốn trung kiếp gồm: thành, trụ, hoại, và không. Mỗi trung kiếp có hai mươi tiểu kiếp. Vào cuối thời kỳ giảm kiếp của mỗi trụ kiếp thì phát sanh hiện tượng tiểu tam tai. Còn đại tam tai thì phát sanh trong thời kỳ hoại kiếp của mỗi đại kiếp. Bây giờ chúng ta hãy bàn đến nguyên nhân phát sanh đại tam tai.

Bởi con người có tâm tham mới phát sanh ra hỏa tai; con người có tâm sân hận mới sanh ra thủy tai; con người có tâm ngu si mới sanh ra phong tai. Cho nên tam tai đều là do tam độc mà sanh khởi. Trong tâm chúng ta, ai ai cũng có đầy đủ cả ba độc. Tâm nầy mỗi ngày càng một khuếch đại ra và khi đến một mức độ nhất định, nó sẽ hình thành đại tai kiếp.
Tam tai phát sanh cũng có thứ lớp, bởi con người có thất tình: hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục, tức là vui, giận, buồn, sợ, thương, ghét, muốn. Bảy loại tình cảm nầy dần dần phát triển rộng ra. Và mỗi một loại tình sẽ phát sanh một lần tai nạn, cho nên mới hình thành bảy lần hỏa tai. Sau bảy lần hỏa tai thì sẽ phát sanh một lần thủy tai. Trong bảy tình, mỗi một tình lại chia ra làm bảy, cho nên mỗi cái “thất hỏa nhất thủy” nầy sẽ theo thứ tự mà lập đi lập lại bảy lần. Rồi lại trải qua bảy lần hỏa tai. Đến lúc sau cùng phong tai phát sanh và hủy diệt toàn cả thế giới. 
Khi hỏa tai phát sanh, nó có thể thiêu đốt đến tầng trời Sơ thiền của Sắc giới, tức gồm cõi: Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên và Đại Phạm Thiên.
Lúc thủy tai phát sanh thì có thể ngập đến tầng trời Nhị thiền của Sắc giới, tức gồm Trời Thiểu Quang, Trời Vô Lượng Quang và Trời Quang Âm. Khi phong tai phát sanh thì có thể thổi đến các tầng trời Tam thiền của Sắc giới, là gồm Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên và Biến Tịnh Thiên. Cho nên nói: 
Cõi Trời Lục Dục có năm suy,
Cõi Trời Tam Thiền có phong tai,
Dẫu như tu đến Phi Phi Tưởng,
Không bằng về Tây rồi trở lại.
Phong tai từ đâu tới? Nó đến từ sự tổng kết của bảy thứ tình: hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Phong tai thì tượng trưng cho si độc. Khi con người đã lâm vào tình cảnh ngu si, thời cái gì cũng quên sạch nhẵn. Do đó đại phong phát khởi, rồi từ trên trời Tam Thiền đến dưới tận địa ngục, cái chi cũng không còn, tất cả đều bị quét sạch. Dù cho hỏa tai, thủy tai hoặc phong tai có phát sanh đi nữa, nhưng nội viện cõi trời Đâu Suất của Dục giới cũng vẫn tồn tại, chẳng bị ảnh hưởng mảy may nào. Tại sao vậy? Bởi đó là cõi Tịnh độ của Phật và Bồ Tát. Hiện nay, Bồ Tát Di Lặc đang ngự tại nội viện trên cung trời Đâu Suất, chờ đến khi trụ kiếp thứ mười trong thời kỳ Hiền Kiếp, Ngài mới giáng lâm thế giới Ta Bà để giáo hóa chúng sanh (hiện tại đang là Giảm Kiếp của Trụ Kiếp thứ chín).
Tham sân si hình thành biết bao loại ác khí, giống như nguyên tử trong bom nguyên tử; nguyên tử là thứ vật chất đáng sợ, nhưng bom nguyên tử do tự chúng ta phát sanh từ lửa tam muội lại càng đáng sợ hơn nữa. Loại nguyên tử nầy không phải đến từ bên ngoài, mà nó vốn đã có sẵn trong tự tánh. Chân hỏa tam muội trong tự tánh chúng ta vốn thuần là dương, nhưng vì bị ta lạm dụng nên nó biến thành lửa dục.
Trong thân người có tam tiêu hỏa là: thượng tiêu hỏa, trung tiêu hỏa và hạ tiêu hỏa. Tam tiêu hỏa nầy có thể hình thành hỏa tai, hoặc biến thành bom nguyên tử để hủy diệt tất cả. Bởi bên trong có bom nguyên tử, cho nên bên ngoài mới có bom nguyên tử. Chúng được hình thành bởi có sự tương ứng và tương tục với nhau. Hiện nay trên thế giới xảy ra nhiều vấn đề cũng đều là từ điểm nầy.
Trong tâm có cái gì thì bên ngoài có cái đó. Nếu trong tâm chúng ta không có chiến tranh, bên ngoài cũng sẽ không có chiến tranh. Cho nên nói “tất cả do tâm tạo” là vậy.
Giảng ngày 29 tháng 7 năm 1985
Nguồn : http://www.dharmasite.net/KhaiThi6.htm

Monday, May 9, 2011

Thử Luận Về Những Cống Hiến Của Hòa Thượng Tuyên Hóa Đối Với Nền Phật Học

Trần Do Bân 
Dịch từ nguyên bản Hoa Ngữ : Thí Luận Tuyên Hóa Lão Hòa Thượng Đích Phật Học Cống Hiến  đăng trên nguyệt san Vajra Bodhi Sea  từ số tháng 6, 1996 đến số tháng 10, 1997.
  
Mục Lục:
  
Chương Thứ Nhất: Lời Giới Thiệu
 
Phần 1: Động Cơ Nghiên Cứu
 
Từ năm 1989 khi tôi quy y với Hòa Thượng Tuyên Hóa và trong suốt sáu năm kế tiếp, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Hòa Thượng sẽ rời bỏ cõi Ta Bà này sớm như vậy. Phải chăng do chúng sanh chúng ta bạc phước cho nên Đại Sư Ấn Quang, Đại Sư Hoằng Nhất, Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân, Đại Lão Hòa Thượng Quảng Khâm, cùng nhiều bậc cao tăng đã theo nhau viên tịch, và luôn cả người mà Lão Hòa Thượng Hư Vân đích thân trao truyền Pháp mạch là ngài Tuyên Hóa cũng chẳng nán lại lâu hơn nữa? Điều này khiến cho tôi không khỏi không ngớt ngậm ngùi thương tiếc.

Sunday, May 8, 2011

Tần Thủy Hoàng


Vì sao con người điên đảo? Bởi vì chấp trước không chịu buông bỏ. Câu thơ xưa nói rằng :

Cổ lai đa thiểu anh hùng hán
Nam Bắc sơn đầu ngoạn thổ nê

Nghĩa là : Xưa nay bao người anh hùng hảo hán, nằm dưới đất bùn khắp đầy núi non.

Qúy vị hãy nghĩ xem, bao nhiêu người ở trần gian, có thể nhảy qua cửa sanh tử, lúc sống thì mưu đồ hư danh, chết rồi thì danh nào còn, ta ham chức quan lớn, chết rồi thì quan vị cũng tiêu tan, mọi thứ đều hóa thành không.

Trung quốc có Tần Thủy Hoàng vì  muốn bảo vệ con cháu khiến muôn đời sau sẽ mãi làm hoàng đế, nên cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành, nào ngờ khi truyền tới đời thứ 2, con là Hồ Hải tức là Tần Nhỉ Thế, nối ngôi chưa được 3 năm thì bị thừa tướng Triệu Cao giết chết, thế chằng phải đã hao phí tâm sức sao?

Xưa nay từ trong đến ngoài nước, những người cực kỳ giàu sang, những người làm quan to chức lớn, đều sống cuộc đời mê muội, tranh danh đoạt lợi tạo ra biết bao nghiệp chướng tội lỗi, tới lúc chết thì với hai tay không đi gặp Diêm Vương.

Xem đấy khi tham thiền chúng ta phải quyết chí dụng công, không thể giải đải không thể buông lung, chớ để lỡ cơ hội rồi sau này hối hận không kịp, rằng :

Một chút thời gian một chút mạng sống

Có người nói : A chà, Tôi thành nhân rồi, Tôi sẽ buông bỏ mọi thứ chuyên tâm tu đạo, nhưng thời gian không chờ đợi ai, chờ tới lúc đó thì đã quá muộn rồi. Tham Thiền hay Niệm Phật đều tốt cả, chỉ cần chân thật tu hành, thì sẽ có thể thoát khỏi vòng sanh tử, tới lúc lâm chung tất sẽ thân không bệnh khổ, tâm chẳng tham luyến như nhập Thiền Định mỉm cười vãng sanh, đó mới là nắm chắc được việc sinh tử trong tay mình vậy.

HT Tuyên Hóa giảng trong khóa Thiền Thất năm 1980