Hôm nay tôi nhớ ra chuyện Như Ý Ma Nữ. Y là một con quỷ vào đời nhà Chu bị sét đánh và y lại tu thành một thứ ma thuật, sấm sét cũng chẳng cách chi đánh được y, cho nên y đi khắp nơi để tác quái, sau đó thì gặp tôi, y phải quy y Tam Bảo, bây giờ y đã cải tà quy chánh, các bạn đừng sợ y, dù y có đến đây cũng chẳng hại người.
Cách đây khoảng 27 năm về trước, vào ngày 20 tháng 2 năm 1945, tôi ở tại Đông Bắc Trung Quốc (Manchuria), tại gia đình ông Châu. Ở khu này có "Hội Đạo Đức". Hội Đạo Đức là nơi giảng về đạo đức vào mỗi ngày. Trong hội nầy có mấy đệ tử quy y với tôi, cho nên mỗi lần đi qua đó, tôi đều ở lại đó vài hôm.
Vào ngày 25 tôi ngồi xe của Hạ Tôn Tường về huyện Song Thành xa cách chừng hơn bảy mươi dặm đường, chúng tôi phải khởi hành lúc ba giờ sáng sớm.
Chúng tôi khởi hành từ ba giờ sáng cho đến bảy giờ mới tới. Đến thành rồi trời cũng đã sáng, tài xế và những người đi tháp tùng tưởng tôi đã chết vì rét lạnh, bởi vì tôi mặc đồ không đủ che lạnh. Họ dừng xe lại để hoạt động, họ chạy bộ, vì không chạy thì bị tê cóng chịu không thấu, còn tôi vẫn ở trên xe từ khi bắt đầu khởi hành. Khi đến cửa đông của huyện Song Thành thì xe ngừng lại, tôi xuống xe thì anh tài xế nói :" Chúng con tưởng Thầy đã chết vì lạnh rồi".
Hàn Cương Cát cũng quy y vào ngày 24 tháng 2. Trước khi anh ta quy y, tôi vốn không muốn thâu nhận anh ta. Tại sao ? Vì trước khi tôi xuất gia, tôi với anh ta là đôi bạn thân và cùng làm việc với nhau trong Hội Đạo Đức. Sau khi xuất gia, Hàn Cương Cát khai mở ngũ nhãn, anh ta thấy :"Nguyên lai Thầy đời đời kiếp kiếp là Thầy của con !", cho nên anh ta muốn quy y với tôi.
Người tây phương cho rằng sấm sét chẳng có ai cai quản. Sấm sét thường thì chẳng ai cai quản, nhưng có thứ sấm sét đặc biệt thì có khi dùng sấm sét để trừng phạt yêu ma quỷ quái ở thế gian. Y đã luyện thành cái mũ đen tị lôi, sấm sét chẳng làm gì được y thị. Y lại luyện thành hai thứ pháp thuật tức là hai quả banh nhỏ tròn tròn. Y dùng cái mũ đội lên cho ai thì linh hồn của người đó bị y nắm giữ, sẽ biến thành quyến thuộc của y. Còn hai quả banh tròn, nếu ném trúng ai thì người đó sẽ chết tức khắc.
Tôi nói :"Cái gì ? Khi con quy y thì con nói :"nhảy vào dầu sôi lửa bỏng cũng không từ", bây giờ đâu phải là dầu sôi lửa bỏng, tại sao con từ chối ?". Anh ta không nói gì, bèn suy nghĩ rồi nói :"Sư phụ ! Thầy phải phái mấy vị hộ pháp bảo vệ con". Tôi nói :"Con đừng la lối ! Đi thì đi còn la lối cái gì ?" Anh ta nghe lời, cũng không dám la lối, bèn theo tôi đi, đến chỗ bệnh nhân thì cô ta nằm ở trên giường, đầu ở trên gối còn đít thì chổng lên trời, trông rất khó coi, song le rất hung hăng, mắt trợn lên lớn giống như mắt bò, nhất là khi nhìn thấy tôi thì càng giận dữ.
Tôi hỏi người nhà của cô ta về nguyên nhân của chứng bệnh. Họ nói bảy, tám ngày trước đây có một thiếu phụ khoảng năm mươi tuổi ngồi kế ngôi mộ ở ngoài làng. Thiếu phụ mặc áo dài màu xanh đen, quần và giầy dép đều màu vàng và cô ta khóc lóc bên cạnh ngôi mộ. Nghe tiếng khóc, có bà già họ là Hạ đến an ủi thiếu phụ, nhưng thiếu phụ cứ tiếp tục khóc nói :"Ôi người của tôi, người của tôi...". Một mặt thì khóc, một mặt thì nhìn "người" của cô ta. Bà già vẫn tiếp tục an ủi thiếu phụ, cuối cùng thiếu phụ hết khóc, và hai người đi về cổng làng. Cửa cổng có thần gác cho nên thiếu phụ không dám vào. Chung quanh làng đều có tường bao bọc ba bên bốn phía, mỗi phía đều có cửa ra vào. Bà già Hạ một mình đi vào cổng còn thiếu phụ thì ở bên ngoài khóc.
Lúc đó xe ngựa của Hạ Tôn Tường trở về làng. Khi đến cổng thì ngựa thấy thiếu phụ bèn kinh hãi chạy xông vào, vì ngựa thấy vật này thì biết ngay ! Còn con người thì không nhận ra. Khi ngựa kinh hãi chạy xông vào thì thiếu phụ cũng chạy theo vào. Có lẽ Thần giữ cổng cũng hoảng hốt khi thấy ngựa kinh hãi cũng không giữ cổng để cho thiếu phụ chạy vào.
Thiếu phụ chạy vào nhà ông Vưu Trung Bảo và tiếp tục tìm "người" của bà ta. Bà ta nhìn ông Vưu rồi bỏ chạy ra khỏi nhà, có khoảng ba bốn chục người bu chung quanh bà ta hỏi : "Bà tên gì ?" Bà ta nói :"Tôi chẳng có tên", lại hỏi :"Họ của bà là gì ?". Bà ta nói :"Tôi chẳng có họ, tôi là người chết". Họ bu nhìn bà ta giống như một quái vật. Bà ta lấy tay giữ cái mũ đen và bỏ đi, bà ta giống như người chẳng biết gì hết, đi đến bờ tường của nhà ông Hạ Văn Sơn, tường cao khoảng ba thước. Bà ta đến bên tường liệng cái mũ đen qua tường rồi nhảy vọt một cái qua bờ tường. Tường cao như thế có lẽ chẳng có ai nhảy qua được, thế mà bà ta nhảy qua được. Đám đông la lên :"- ! Mụ điên có võ thuật, có công phu !" Do đó cả đám đông chạy qua xem bà ta.
Con trai của Hạ Văn Sơn tên là Hạ Tôn Toàn cũng là đệ tử quy y với tôi vào ngày 24 vừa qua, từ cửa chạy vào nói :"Mẹ ! Mẹ ! Mụ điên đến nhà mình, mẹ đừng có sợ !"
Mẹ của y nhìn ra cửa sổ, chẳng thấy gì lạ. Khi quay đầu lại thì thấy thiếu phụ bò vào giường đá, đang nửa trên nửa dưới. Bà ta hỏi thiếu phụ :"Bà tìm ai ? Bà tìm ai ?" Thiếu phụ chẳng nói gì. Thấy cử chỉ của thiếu phụ rất kỳ quái, cho nên bà ta và cô con gái niệm Chú Đại Bi, vừa mới niệm câu đầu tiên "Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da" thì thiếu phụ nằm dài xuống đất bất động, giống như người chết.
Thấy vậy không được, nếu chết trong nhà thì không tốt. Cho nên đi báo cáo với ông xã trưởng. Xã trưởng thấy thiếu phụ nằm dài dưới đất giống như chết bèn dùng tay mang bà ta ra ngoài sân, hỏi bà ta :"Bà từ đâu đến đây ? Và tại sao bà đến đây ?". Bà ta đáp :"Đừng hỏi tôi, tôi là xác chết, tôi chẳng có tên chẳng có họ, cũng chẳng có chỗ ở, tôi đến đâu thì ở đó". Ông xã trưởng nghe bà ta nói thế cũng kinh hãi, bèn đem bà ta đi ra khỏi làng khoảng năm mươi bộ, rồi trở về cổng làng thì thấy bà ta đang ở sau lưng, bèn đem bà ta đi xa khoảng bảy mươi bộ, lần này bà ta cũng theo về. Cuối cùng ông ta và ba nhân viên nữa mang bà ta đi xa khoảng một trăm năm mươi bộ và nói :"Đi mau ! Nếu không ta bắn !" Và họ bắn chỉ thiên hai lần. Bà ta ngã xuống đất vì sợ hãi, tưởng tiếng súng là tiếng sấm sét đã giết bà ta trước kia. Lần này bà ta chẳng theo họ trở về làng.
Khi ông xã trưởng và mấy người nhân viên trở về thì nghe tin con gái của ông Hạ Văn Sơn bị bệnh, chẳng nói, chẳng ăn uống, chẳng ngủ, chỉ nằm trên giường trừng mắt, đầu thì trên gối, đít thì chổng lên trời, đã bảy tám ngày không ăn uống gì cả.
Trước khi đến nhà ông Hạ Văn Sơn, tôi nói với Hàn Cương Cát :"Con nói, nếu chúng ta dính vào việc này thì sẽ chết. Thà ta chết chứ không để cho đệ tử quy y với ta chết. Thứ nhất, ta phải cứu những người quy y với ta, không thể thấy họ chết mà không lo. Thứ hai, ta phải cứu con ma này, con nói chẳng có ai quản được nó, nhưng nó đã phạm biết bao tội lỗi, nhất định sẽ có người hàng phục được nó. Nó đã tu luyện nhiều năm, nếu tiêu diệt nó đi, thật là đáng tiếc. Nếu nó có bản lãnh giết ta, ta cũng phải đi cứu cô ta. Thứ ba, ta phải cứu tất cả chúng sinh trên thế gian, nếu ta không hàng phục được nó thì tương lai nó sẽ hại nhiều người nữa, vì những lý do đó, ta nhất định phải đi". Cho nên mới đến nhà của người bệnh.
Lúc đó ông xã trưởng cũng đến, nghe chúng tôi đàm luận, thiếu phụ đó là con ma, ông ta nghĩ lại nói :"Hèn chi hôm đó tôi dùng tay nhấc bà ta lên mà chẳng cần tí sức nào, giống như chẳng có vật gì, nếu không nói, tôi cũng nghĩ không ra, bây giờ mới biết đó là ma".
Chúng tôi phải tìm cách hàng phục nó. Làm sao để hàng phục ? Trong Chú Lăng Nghiêm có năm loại pháp. Trong năm loại pháp có : "Tiêu tai pháp", tức là ai có tai nạn gì thì có thể làm cho khỏi. Có "Cát tường pháp", có sự việc gì không được cát tường thì có thể biến thành cát tường. Có "Câu triệu pháp", tức là bất cứ yêu ma quỷ quái xa bao nhiêu thì có thể tùy thời bắt nó lại, lại có "Hàng phục pháp", tức là ma quỷ đến thì bạn hàng phục được nó. Có những loại pháp này, cho nên lúc đó tôi dùng "Chú Lăng Nghiêm" để kêu Như Ý Ma Nữ đến, khi gọi đến, bà ta vào cửa mang một mùi tanh không tưởng tượng nổi, ai mà ngửi mùi tanh đó thì phải ói mửa.
Khi bà ta vào thì dùng cái mũ mà bà ta đã luyện để chụp lên đầu tôi, nhưng chụp lên đầu tôi chẳng được, cái mũ của bà ta đã vô dụng, bà ta lại đem banh tròn tròn ném lên mình tôi, song le cũng chẳng trúng thân của tôi.
Bà ta đã dùng hai thứ pháp thuật đều chẳng có công hiệu, vô dụng. Bà ta biết đã hết cách, muốn bỏ chạy ! Song le, đông tây nam bắc, tứ duy trên dưới chẳng có lối thoát. Vì khi bà ta vào thì tôi đã kiết giới, giống như đã bầy bố trận, cho nên bà ta chẳng có lối thoát; phía trên, phía dưới trước sau phải trái đều có hộ pháp thiên long bát bộ giữ bà ta lại, chạy không khỏi, hết cách bà ta bèn quỳ xuống khóc lên. Tôi bèn thuyết pháp "Tứ Diệu Đế", "Mười Hai Nhân Duyên" và "Pháp Lục Độ" cho bà ta nghe. Bà ta hiểu được, muốn quy y Tam Bảo, phát bồ đề tâm. Tôi chấp nhận và quy y cho bà ta, cho bà ta tên là "Kim Cang Như Ý Nữ". Quy y rồi, bà ta luôn luôn theo tôi đi các nơi độ người. Nhưng bản tánh của bà ta là ma tính, theo tôi đến nơi nào thì nơi đó cũng đều có mùi tanh. Về sau thấy vậy, tôi kêu bà ta đến núi Lạc Pháp, "Động Vạn Thánh Linh Long" thuộc huyện Giao Hà tỉnh Cát Lâm để tu hành.
Tại sao nơi đó lại gọi là "Động Vạn Thánh Linh Long ?" Tôi có rất nhiều đệ tử kỳ quái quy y, tôi đều phái họ đến đó để tu hành. Nơi đó, tôi cũng đã từng đến. Về sau bà ta tu hành chẳng bao lâu thì có chút thần thông, thường thường đi đến các nơi cứu người. Song le bà ta cứu người cũng không muốn cho người biết là bà ta cứu người như thế nào, do đó :
"Làm việc thiện mà muốn người thấy,
thì chẳng phải là chân thiện ;
Làm việc ác mà sợ người biết,
thì là đại ác".
Bạn làm việc tốt, muốn cho người biết thì chẳng phải là việc chân thiện. Bạn làm việc ác mà sợ người biết thì là việc rất ác. Cho nên "Như Ý Ma Nữ" này cuối cùng cũng biến thành quyến thuộc của Phật. Cái động này sao lại gọi là "Động Vạn Thánh Linh Long ?" Vì một động có ba cửa động, ở bên này có thể nhìn qua bên kia, bên kia có thể nhìn qua bên này, thấu suốt với nhau cho nên gọi là linh long. Giống như trong ly thủy tinh đựng gì thì biết ngay, cho nên gọi là linh long. Chẳng phải nhất định nói về ly thủy tinh, tức là bên trong có thể nhìn thấy bên ngoài, bên ngoài có thể nhìn thấy bên trong. Động này có ba cửa động, ba cửa động này đều thông với nhau, ở trong đó có một cái miếu. Vật dụng tạo miếu này đều dùng dê để chở, một lần vậy sức dê chở được hai miếng ngói hoặc một khúc gỗ, vì núi đó quá cao. Trong động đó, bên ngoài cửa phía tây có động "Lão Tử". Cửa động phía đông có động "Tích Thủy". Trong động tích thủy đó nước nhỏ từng giọt từng giọt đủ cho thiên nhân vạn mã uống. Phía sau động là động "Kỉ Tổ", tức là Kỉ Hiểu Đường. Kỉ Hiểu Đường cũng là người quê của tôi ở Đông Bắc Trung Quốc, ông ta đã hàng phục được năm con quỷ, ở núi Lạc Pháp này và hàng phục được "Hắc Ngư Tinh". Hắc Ngư Tinh này vào đời nhà Minh làm quan ở Bắc Kinh gọi là Hắc đại nhân. Ông ta họ Hắc, nhưng ông ta chẳng phải người, ông ta là cá. Kỉ Hiểu Đường biết được nên bắt tóm ông ta, biết trước ông ta có ngày sẽ đi qua núi này cho nên ở đó đợi ông ta. Khi ông ta đi qua, Kỉ Hiểu Đường dùng "Chưởng thủ lôi" đánh chết Hắc đại nhân tại đó.
Cho nên động ở trên núi đó, chẳng ai biết rõ có bao nhiêu cái động. Hôm nay bạn biết có bảy mươi hai cái, ngày mai thì có bảy mươi ba cái, ngày mốt lại thêm nữa hoặc là có bảy mươi, không nhất định được.
Có một người đi lên núi, nhìn thấy hai ông lão đang đánh cờ. Y nhìn lên đó bèn ho lên một tiếng thì hai ông già râu dài nhìn nói với nhau :"Sao y lại lên đây ?" Cửa động bằng đá tự nhiên đóng lại ! Y bèn quỳ ở đó cầu pháp cho đến chết. Bây giờ mộ của y vẫn còn ở bên ngoài cửa động đá. Bạn thấy đó ! Người ta cầu đạo, cầu pháp, quỳ chết ở đó cũng không đứng dậy. Cho nên núi đó có rất nhiều thần tiên.
Tôi có gặp một người tên là Lý Minh Phước, y có võ thuật, chạy rất nhanh như khỉ. Một ngày nọ tôi đến nơi đó, đi vào lúc sáng sớm khoảng hơn bốn giờ sáng thì lên tới núi, thấy y đang lễ Phật. Đầu tóc phía sau của y bó lại nặng khoảng ba, bốn cân, trên đầu có cài cây trâm, y chưa bao giờ tắm rửa. Hình dáng của y rất nhỏ, mặt, mắt, mũi miệng, thân thể rất nhỏ, nhưng rất mạnh vô cùng. Y một mình có thể cầm hai thanh sắt làm đường rầy (xe lửa), trong khi đó tám người thường chỉ khiêng được một thanh sắt. Chẳng ai biết y bao nhiêu tuổi, người ở đâu đến, vào thời nào ? Đó là một người kỳ quái mà tôi đã gặp qua ở đó.
Những gì mà tôi vừa kể với quý vị chẳng phải là sự tích, chẳng phải tự tạo, mà là sự thật, một sự việc chân thật ! Các bạn tin cũng tốt, không tin cũng tốt, tin hay không tùy bạn !
0 comments:
Post a Comment