Subscribe Twitter FaceBook

"Nhất Thất Nhân Thân, Vạn Kiếp Nan Phục" - "Thân Người Mất Đi Vạn Kiếp Khó Khôi Phục"

Thursday, June 2, 2011

Tổ Sư Ba Xe

Cách đây một vạn năm, có một vị hành giả già. Vị hành giả ấy tu pháp môn ngồi thiền. Lúc đầu mới tập ngồi thiền, ngồi được một lát thì bắp chân đau không chịu nổi, lão hành giả liền đấu tranh với bắp chân đau rằng:
- Ngươi không chịu đau được à? Nhưng ta thì chịu đau được!
Ông đã thương lượng với bắp chân như thế.
Bắp chân rên rỉ:
- Ôi! Tôi chịu hết nổi rồi.
- Không chịu được là việc của ngươi. Ta không quan tâm.

Ông vẫn tiếp tục ngồi thiền. Lần đầu, ông ngồi được nửa giờ thì đổi chân, sau đó kiên trì luyện tập ngồi được một tiếng, rồi đến một tiếng rưỡi, hai tiếng. Cứ luyện tập như thế, về sau mỗi lần ngồi ông có thể ngồi được mấy ngày hoặc mấy tháng, thậm chí mấy năm cũng không có vấn đề gì. Bắp chân của ông cuối cùng đã phải chịu thua. Trải qua một thời gian dài ngồi thiền, ông không còn quan tâm đến khái niệm thời gian nữa, một lần ngồi là nhập định cả mấy mươi năm. Ngồi suốt mấy mươi năm, ông đứng dậy đổi chân rồi lại ngồi tiếp, ngồi đợi Đức Phật Thích-ca ra đời giúp Ngài hoằng dương Phật pháp. Vì ông ta thích nhập định nên ở luôn trong định không dậy. Lần này vào định ở luôn trong ấy suốt mấy nghìn năm, quần áo trên người đều đã mục nát, mặt đầy bụi đất, tóc trên đầu cũng bị chim dùng làm tổ. Ông tuy là người nhưng nhìn chẳng khác gì một pho tượng, không biết ông đã ngồi như thế bao nhiêu năm.
Đến đời Đường, Pháp sư Huyền Trang đi Ấn Độ thỉnh kinh, trên đường gặp vị hành giả này. Lúc ấy y phục trên thân ông đã rách đến độ không thể rách thêm được nữa. Bụi đất bám trên y phục, trên mặt, trên đầu thành một lớp rất dày. Pháp sư Huyền Trang bèn đánh lên một hồi khánh dài để gọi ông tỉnh dậy. Keng! Vị hành giả già ấy đã tỉnh. Ông hỏi pháp sư Huyền Trang:
- Ngài làm gì vậy?
- Thế Tôn giả đang làm gì? Pháp sư Huyền Trang hỏi lại.
- Tôi ở đây đợi Đức Phật Thích-ca ra đời sẽ đến giúp Ngài hoằng dương Phật pháp.
- Ồ! Tôn giả nhập định đã ở trong đó quá lâu suốt mấy nghìn năm. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã nhập niết-bàn hơn một nghìn năm rồi mà Tôn giả vẫn còn đợi Ngài xuất thế ư! Pháp sư Huyền Trang nói.
- Thế chẳng sao, tôi sẽ ngồi thiền tiếp để đợi Đức Phật Di-lặc ra đời sẽ giúp Ngài giáo hóa chúng sinh.
Thế là ông lại muốn nhập đinh tiếp. Vì ông đã quen nhập định rồi, nên chỉ luôn muốn nhập định.
Pháp sư Huyền Trang khuyên:
- Này Tôn giả, Tôn giả đừng nên nhập định nữa. Tuy Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nay đã nhập niết-bàn, nhưng Phật pháp vẫn còn ở thế gian, Tôn giả hãy giúp tôi hoằng dương Phật pháp.
-  Tôi giúp Ngài hoằng dương Phật pháp như thế nào? Ngài là ai?
- Tôi là người xuất gia ở triều Đường, pháp danh Huyền Trang, nay tôi chuẩn bị đến Ấn Độ thỉnh pháp bảo của Phật. Đợi tôi thỉnh kinh về nhất định phải có người giúp tôi hoằng dương Phật pháp. Tôn giả đã nhập định đợi ở đây nhiều năm như thế, việc gì cũng chẳng làm thật là đáng tiếc. Tôn giả hãy đến giúp tôi hoằng dương Phật pháp nhé!
- Tôi có thể giúp được Ngài ư?
- Có thể, nhưng không phải bằng thân này. Tôi tin thân hiện tại này của Tôn giả muốn đứng cũng không đứng dậy được, bởi Tôn giả đã ngồi quá lâu nên hai chân đã gắn khít vào nhau. Vì thế, Tôn giả nên đổi căn phòng này của mình và dọn qua một ngôi nhà khác.
- Thế tôi phải dọn đến đâu?
-  Tôn giả nên đầu thai vào ngôi nhà có mái ngói lưu li màu vàng ở Trường An, đợi sau khi trở về, tôi sẽ đến tìm Tôn giả.
-  Vâng! Tôi tin lời Ngài, tôi sẽ giúp Ngài hoằng dương Phật pháp.
Thế là vị ấy đầu thai đến Trường An.
Nguyên pháp sư Huyền Trang bảo vị ấy đầu thai vào nhà có mái ngói lưu li màu vàng, nhưng vị ấy nhớ lầm thành mái ngói màu xanh nên đã đầu thai nhầm vào nhà quan Úy Trì[1], làm con trai của người anh quan Úy Trì.
Lúc pháp sư Huyền Trang rời Trường An, vua Đường Thái Tông có hỏi Ngài:
- Lúc nào Pháp sư về? Khi về, nhớ báo tin trước để trẫm nghinh đón Pháp sư.
Pháp sư Huyền Trang liền chỉ vào cây tùng trước cung nói:
- Nhánh của cây tùng này đều phát triển về hướng Tây, Hoàng Thượng xem khi nào nhánh của nó quay về hướng Đông thì đó chính là lúc bần đạo trở về.
Vì thế, vua Đường Thái Tông thường nhìn cây tùng xem lúc nào nhánh của nó uốn về hướng Đông.
Trải qua mười bốn năm, có một hôm, tất cả nhánh của cây tùng này đều uốn về hướng Đông. Quí vị xem có kỳ lạ không? Cây tùng này có sự cảm ứng rất lớn. Thái Tông liền bảo triều thần: “Có lẽ hôm nay pháp sư Huyền Trang trở về, chúng ta mau ra ngoài thành nghinh đón Pháp sư quay về”. Thế là mọi người đều ra ngoài thành nghinh đón, quả nhiên rước được pháp sư Huyền Trang trở về. Pháp sư Huyền Trang vừa nhìn thấy Thái Tông liền vui mừng vô hạn nói:
- Bần đạo xin chúc mừng Hoàng thượng.
- Pháp sư chúc mừng trẫm điều gì? Trẫm cũng đâu có việc gì đặc biệt. Vua nói.
Huyền Trang đáp:
-Chẳng phải bần đạo vừa đi được một năm thì Hoàng Thượng hạ sinh được một thái tử sao?
-Đâu có! Pháp sư đi đã bao nhiêu năm, trẫm cũng chẳng có thêm được một thái tử nào!
Huyền Trang vừa nghe, bảo:
-Thật kì lạ, bần đạo có bảo một người đến làm thái tử của Hoàng Thượng, sao người ấy vẫn chưa đến? Hoàng Thượng hãy chờ đợi, đến tối bần đạo quan sát xem người ấy đến nơi nào.
Vua Đường Thái Tông cũng không biết Pháp sư Huyền Trang nói chuyện gì nên cũng chỉ nói xuôi theo mà không tin lắm. Đợi đến chiều tối, pháp sư Huyền Trang ngồi thiền, quán sát nhân duyên của người kia thì thấy ông đã đầu thai vào nhà họ Úy Trì, nay đã mười bốn tuổi, dáng người cao to nhưng suốt ngày chỉ biết rong chơi lêu lỏng. Quí vị xem! Vị hành giả này trước kia sống rất khuôn phép, nhưng khi đến nhà họ Úy Trì thì chẳng giữ phép tắc nữa. Không giữ phép tắc như thế nào? Người ấy lại ăn thịt, uống rượu, vui đùa phụ nữ … không từ thú vui ngũ dục nào. Vì nhà họ Úy Trì có tiền có thế, lại có địa vị, cho nên người ấy làm điều gì cũng không ai dám ngăn cản.
Pháp sư Huyền Trang thấy người ấy đi lầm đường, đầu thai vào nhà họ Úy Trì, nên ngày hôm sau Ngài tâu với vua:
-Hôm qua bần đạo nói bệ hạ sẽ sinh một thái tử, nhưng người ấy đã đi lầm đường. Trước đây bần đạo bảo người ấy đầu thai làm thái tử nhưng người ấy lại đi nhầm vào nhà họ Úy Trì. Nay xin Hoàng Thượng hạ thánh chỉ bảo người ấy xuất gia. Vì trước đây bần đạo có giao hẹn với người ấy đến giúp đỡ bần đạo hoằng dương Phật pháp.
Đường Thái Tông nghe xong nói:
-Được.
Thế rồi, Hoàng đế hạ một đạo chiếu thư bắt đứa cháu trai của ông Úy Trì phải phụng chỉ xuất gia. Mệnh lệnh của Hoàng đế thì gọi là chiếu thư, hay thánh chỉ. Ông Úy Trì vừa tiếp chiếu thư bèn gọi người cháu đến, bảo:
-Nay Hoàng đế bắt cháu phải xuất gia.
-Đâu có lý ấy. Vì sao Hoàng đế lại có thể bắt cháu xuất gia! Cháu còn vui chơi chưa đủ, sao có thể xuất gia được chứ!
-Không thể cãi lệnh được, Hoàng đế bảo cháu xuất gia, cháu không tuân lệnh thì sẽ bị chém đầu. Cháu không thể kháng lại lệnh của Hoàng đế! Ông Úy trì nói.
Người cháu không phục:
-Thế cháu sẽ đi gặp Hoàng đế để hỏi cho ra lẽ.
Pháp sư Huyền Trang biết người ấy không muốn xuất gia nên ngày hôm trước Ngài đã thưa với vua:
-Ngài mai, cháu của ông Úy Trì sẽ đến diện kiến bệ hạ để nói lí lẽ. Người ấy sẽ xuất gia có điều kiện, nhưng bất luận người ấy đưa ra điều kiện gì, xin Hoàng Thượng đều chấp thuận, người ấy thích như thế nào nên chiều theo thế ấy.
Vua Đường Thái Tông nói:
-Được! Ngày mai trẫm sẽ theo ý pháp sư.
Hôm sau, quả nhiên ông Úy Trì dẫn cháu đến diện kiến Hoàng đế. Đường Thái Tông bảo người cháu:
-Nay trẫm tin sâu Phật pháp, biết xuất gia là một việc rất tốt, cho nên trẫm hy vọng khanh xuất gia để hoằng dương Phật pháp.
- Hoàng Thượng muốn thần xuất gia ư? nhưng thần có ba thứ chẳng thể bỏ được, nếu Hoàng Thượng có thể chấp nhận ba điều kiện này thì thần xin vâng chỉ. Còn như Hoàng Thượng không chấp nhận thì dù Hoàng Thượng có giết thần, thần cũng không xuất gia!
Quí vị xem! Người này quả thật xem thường sự sống chết.
-Ngươi có ba điều kiện gì?
-Thần rất thích uống rượu, người xuất gia thì không được uống rượu, nhưng lần này thần vâng chỉ xuất gia, xin Hoàng thượng cho ngoại lệ vì thần không thể thiếu rượu. Sau khi thần xuất gia, bất luận là đi đến chỗ nào đều phải có một xe rượu theo sau.
-Trẫm chấp nhận cho khanh điều kiện này. Vậy điều thứ hai là gì? Đường Thái Tông hỏi.
-Thần rất thích ăn thịt, người xuất gia phải ăn chay, nhưng thần thì không thể, thần nhất định phải có thịt, một ngày không ăn thịt thần không chịu nổi. Cho nên bất luận thần đi đến nơi nào cũng đều có một xe thịt theo sau.
-Cũng được! Chuyện nhỏ, trẫm chấp nhận. Còn điều kiện thứ ba? Đường Thái Tông hỏi.
-Xuất gia làm Hòa thượng thì không được có vợ, không được có người nữ, Hoàng Thượng ép thần xuất gia nhưng thần không thể thiếu được nữ sắc. Nên bất kể thần đi đến đâu cũng phải có một xe mỹ nữ theo sau. Thần cần một xe rượu, một xe thịt, một xe mỹ nữ, nếu bệ hạ chấp nhận được ba điều kiện ấy của thần thì thần có thể miễn cưỡng xuất gia theo ý Hoàng thượng. Nếu một trong ba điều kiện không được đáp ứng thì thần cũng không xuất gia!
-Những điều kiện ngươi đưa ra quá hư đốn. Thái Tông nói.
Nhưng Pháp sư Huyền Trang đã dặn dò vua trước là bất luận người ấy có đưa ra yêu cầu gì thì vua cũng đều nên đáp ứng, vì thế Thái Tông đều chấp thuận cho người ấy, vua nói:
-Được! Ngươi muốn một xe mỹ nữ ta cũng đáp ứng cho ngươi, chỉ cần ngươi xuất gia là được. Những điều kiện của ngươi ta đều chấp nhận. Bây giờ ngươi có thể xuất gia rồi chứ?
Người cháu ông Úy Trì nghĩ: “Những gì mình thích đều có,  Hoàng đế đều đã đáp ứng nguyện vọng của mình, tuy trong lòng mình không vui lắm nhưng cũng đành buồn bã chấp nhận đến xuất gia ở chùa Đại Hưng Thiện”.
Chùa Đại Hưng Thiện là chùa pháp sư Huyền Trang ở tu tập. Cổng ngoài cách phòng phương trượng mười dặm, tức xa khoảng 3-4 km. Bên trong chùa có thể chứa được cả mấy vạn người. Lần này Hoàng đế hạ chiếu cho người đến xuất gia nên chùa gióng chuông trống cung nghinh rất náo nhiệt. Trong chùa, khi có Phật sự gì gióng chuông trống lên thì  Hộ pháp Thiện thần đều đến hộ trì, cho nên chuông trống trong chùa không thể tùy ý muốn đánh thì đánh, không muốn đánh thì không đánh. Nếu chùa có pháp hội thì nhất định phải đánh, đánh chuông trống không phải để thông báo cho mọi người biết mà là để cho tất cả Hộ pháp đều nghe được hiệu lệnh ấy. Lúc này chùa Đại Hưng Thiện, có người phụ trách đánh trống người phụ trách đánh chuông, tiếng chuông trống được đánh vang lên tùng… tùng… tùng …tùng, boong… boong …boong …boong.
Cháu ông Úy Trì đi vào trong chùa, nghe được tiếng chuông trống vang lên như thế, người ấy bỗng nhiên khai ngộ và nhớ rõ: “Ồ! Ta vốn là hậu thân của một vị tu hành già nọ!” Thế là người ấy quay lại xua tay bảo với ba xe đằng sau:
-Các ngươi hãy quay về, quay về đi! Nay ta đã đủ cả rồi, không cần gì cả!
Thế là xe mỹ nhân cũng lui về, xe rượu cũng chạy mất, xe thịt cũng không còn. Người ấy đã đến chùa Đại Hưng Thiện xuất gia như thế, vì vậy có người gọi Ngài  là Tổ sư ba xe (Tam Xa Tổ sư).
Vị Tổ sư ba xe đó chính là pháp sư Khuy Cơ[2], bậc thầy về Duy thức. Ngài thông minh tuyệt đỉnh, bất luận kinh điển gì chỉ cần xem qua một lần là ghi nhớ chẳng bao giờ quên. Đó là nhân duyên (xuất gia) tu hành của Pháp sư Khuy Cơ. Về sau, Ngài đã dùng hết tâm lực của mình vào sự nghiệp hoằng dương Phật pháp ở triều Đường.
Trích "Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện-Kinh Hoa Nghiêm" HT. Tuyên Hóa lược giảng
Ban phiên dịch Vạn Phật Thành

0 comments:

Post a Comment